Chủ nhật, ngày 27 tháng 07 năm 2025
Cập nhật lúc: 20/02/2020

Đầu tháng 2/2020, phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP.HCM) đã nêu sáng kiến nhỏ giọt tinh dầu tràm lên khẩu trang trước khi sử dụng để ngăn ngừa dịch bệnh do virus Corona.

Sau đó, theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Mỹ Linh với Zing.vn, thì: "Chúng ta chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể tác dụng của tinh dầu tràm đối với chủng virus nCoV. Tuy nhiên với tác dụng kháng nhiều chủng vi khuẩn, việc sử dụng tinh dầu tràm sẽ tăng hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng khẩu trang thông thường.

Từ kinh nghiệm dân gian và các thành phần của tinh dầu tràm, việc nhỏ tinh dầu lên khẩu trang có thể coi là một biện pháp phòng ngừa đối với virus corona để người dân tham khảo. Để biết được tinh dầu tràm có kháng được chủng virus Corona hay không thì còn cần nhiều thử nghiệm khoa học nữa".

Dù thế, dầu tràm vẫn tạo nên một cơn sốt đáng kể ở thị trường Việt Nam. Chỉ cần dạo một vòng các trang mạng xã hội như Facebook, chúng ta sẽ dễ dàng thường xuyên thấy những lời rao hàng bán tinh dầu tràm hoặc các status và comment hỏi mua loại tinh dầu này.

Thị trường đang khát tinh dầu tràm, nhưng để tìm được nguồn hàng chất lượng cao giá cả phải chăng không dễ

Với việc là một doanh nghiệp bán tinh dầu – với sản phẩm tinh dầu tràm chủ lực, Ban Mê Central (BMEC) là một trong những đơn vị hiếm hoi hưởng lợi từ đại dịch Corona Theo chia sẻ từ anh Phạm Đình Hòa – Co-Founder của startup có 3 năm tuổi đời này, thì vừa qua BMEC đã bán được 200 lít dầu tràm và hiện không còn hàng nữa.

"Sau khi có thông tin đưa ra từ Sở Y tế TP. HCM, thị trường dầu tràm đã nhận một vài tác động đáng kể. Đầu tiên, cầu nhiều hơn cung nên chúng tôi đã nhanh chóng bán hết 200 lít dầu tràm mà mình đang tích trữ. Thứ hai, giá dầu tràm có lên nhưng không đáng kể; trước đây mỗi lít dầu tràm có giá khoảng 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/lít, bây giờ tăng lên khoảng 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/lít", anh Phạm Đình Hòa kể.

Startup bán ra 200 lít tinh dầu tràm trong đợt dịch: Thị trường đang “khát“ nhưng startup như chúng tôi khó chớp được cơ hội này

Phạm Đình Hòa – Co-Founder của Ban Mê Central.

Như mọi doanh nghiệp khác, BMEC cũng muốn chớp lấy cơ hội này, nhưng theo thú nhận của Co-Founder này, thì mọi chuyện không dễ.

Đầu tiên, 200 lít dầu tràm đó là tất cả trữ lượng dầu mà BMEC tích trữ được. Theo giải thích của Hòa, thì startup này lấy tinh dầu từ các lò nấu thủ công ở Đắc Lắc và các tỉnh lân cận.

Đắc Lắc là vùng nguyên liệu chính của BMEC, (trong đó có tinh dầu tràm – với nguồn nguyên liệu tràm lấy ở Huế, Quảng Trị). Trong vài năm gần đây, tỉnh Đắc Lắc đã quy hoạch 12 vùng trồng các loại cây lấy tinh dầu khác nhau, rồi tạo ra 12 Hợp tác xã, sản xuất 12 loại tinh dầu khác nhau. Tất nhiên, BMEC phải tự mang những mẫu sản phẩm ở các lò đi xét nghiệm và sau khi có được các giấy chứng nhận cần thiết, thì mới đưa ra lưu hành trên thị trường.

Ở khía cạnh khác, BMEC không phải là đối tác duy nhất của các Hợp tác xã tinh dầu này, mà còn có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác. Hiện tại, lượt cũ của họ đã qua và lượt tiếp theo chưa đến. Thêm nữa, ở thời điểm này, không chỉ BMEC thấy được cơ hội từ thị trường này mà các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này cũng thế. Theo đó, dù sao thì các Hợp tác xã sản xuất tinh dầu - trong đó có tinh dầu tràm, cũng sẽ ưu tiên những đối tác lớn hơn BMEC.

"Chúng tôi vẫn đang đi tìm nguồn hàng khác nhưng vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Chúng tôi đã nghĩ đến việc tự nhập thêm tràm từ các tỉnh miền Trung khác như Đà Nẵng – Huế hoặc Quảng Trị, nhưng như thế đồng nghĩa với việc giá bán sẽ cao bởi chi phí logistic cao.

Ngoài ra, còn nguồn hàng dầu tràm từ Ấn Độ hoặc Trung Đông. Đây là nguồn hàng khá dồi dào trên thị trường, nhưng BMEC không dám lấy. Chẳng biết vì sao, dù là hàng nhập, mà giá của loại này còn rẻ hơn cả BMEC mua từ lò gốc. Bên cạnh đó, mùi của chúng cũng khá đậm và gắt, hoàn toàn không giống mùi tinh dầu nguyên chất hoàn toàn từ thiên nhiên mà chúng tôi biết.

Dù như thế nào, mỗi sản phẩm mà chúng tôi bán ra đều đại diện cho uy tín của mình, nên dù lợi nhuận lớn đến thế nào, chúng tôi cũng không thể làm bậy hay ‘treo dầu dê bán thịt chó’", anh Phạm Đình Hòa chia sẻ tiếp.

Cũng theo Phạm Đình Hòa, hiện tại, trên thị trường Việt Nam có rất nhiều loại tinh dầu khác nhau và không ít trong số đó có chất lượng, nguồn gốc không được đảm bảo. Nếu người dùng mua phải hàng giả hoặc pha trộn từ hóa chất công nghiệp - như dầu mỏ, thì thậm chí còn gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, chất lượng tinh dầu còn phụ thuộc vào vùng nguyên liệu, mùa thu hoạch, hệ thống chưng cất, tinh lọc và bảo quản... Thường thì tinh dầu chất lượng cao sẽ không rẻ và còn phải qua nhiều khâu kiểm định.

Trong khi chờ đợi nguồn hàng dầu tràm tốt, BMEC khuyên người tiêu dùng có thể xài những tinh dầu khác có tác dụng tương tự dầu tràm, ví dụ như: tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà cay, tinh dầu oải hương, tinh cầu quế, tinh dầu cam, tinh dầu quýt, tinh dầu sả chanh, tinh húng húng quế - hương thảo.

In Gửi Email
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả: