Chế biến sâu – Nâng cao giá trị nông sản
*Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò chế biến sâu đối với việc nâng cao giá trị nông sản và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk?
Giá trị gia tăng của sản phẩm tập trung chủ yếu ở khâu chế biến và tiêu thụ. Một sản phẩm nông sản nếu bán ở dạng thô thì giá thấp nhưng chỉ cần qua chế biến, được phân phối ở các thị trường trong và ngoài nước thì giá trị có thể sẽ tăng gấp vài chục lần.
Chế biến sâu nông sản là yếu tố then chốt, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi lẽ chế biến sâu giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản. Sản phẩm sau chế biến lúc nào cũng dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn các sản phẩm ở dạng thô.
Thực tế đã có nhiều loại trái cây sau khi thu hoạch có hạn sử dụng ngắn, nếu không được tiêu thụ, chế biến kịp thời phải đổ bỏ khiến nông dân thiệt hại nặng nề. Vì vậy, đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp căn cơ nhất giải quyết tình trạng ùn ứ, bảo quản nông sản sau thu hoạch, hạn chế cùng một thời điểm đưa quá nhiều nông sản ra thị trường, làm mất cân đối cung cầu. Đặc biệt, chế biến sâu còn thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến ở địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân và đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh.
* Theo ông, bên cạnh những thuận lợi về nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nhân công tại chỗ rẻ thì chế biến sâu nông sản ở Đắk Lắk đang đối mặt với những thách thức nào?
Những năm gần đây, công nghiệp chế biến sâu nông sản của tỉnh đã có những bước phát triển nhất định. Giá trị xuất khẩu nông sản liên tục tăng trưởng, góp phần quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động chế biến nông sản ở địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, thách thức đầu tiên là quy mô và chất lượng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến. Để xuất khẩu nông sản, đòi hỏi nguồn nguyên liệu đầu vào có quy mô lớn, ổn định và đạt chất lượng nhưng hiện nay nông sản của tỉnh còn mang tính mùa vụ. Nhà máy chế biến muốn duy trì hoạt động liên tục phải bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, nếu nhà máy chỉ sản xuất được 1 - 2 tháng/năm thì rất khó đạt được hiệu quả.
![]() |
Chế biến sầu riêng cấp đông tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sky Ocean Food ở huyện Krông Búk. Ảnh: Vạn Tiếp |
Ngoài ra, công nghệ chế biến của nhiều nhà máy còn lạc hậu, chưa được đầu tư bài bản để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe của thị trường quốc tế. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng cho phát triển công nghiệp còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Cùng với đó, tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay đòi hỏi chúng ta phải củng cố thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm mới có thể tăng thị phần, chen chân vào các kệ hàng của những thị trường quốc tế.
* Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chế biến sâu, Đắk Lắk đã triển khai những chính sách, giải pháp như thế nào, thưa ông?
Thời gian qua, chế biến sâu được tỉnh rất quan tâm. Đến nay, mức chế biến sâu của tỉnh cũng đạt cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên cũng chỉ đạt từ 10 – 20%, còn chúng ta vẫn đang xuất thô khoảng 80%.
Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy chế biến sâu như: hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, thuế; thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu với công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện môi trường; tích cực thành lập cụm công nghiệp mới tạo không gian phát triển cho chế biến sâu.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng huy động nguồn lực từ các chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp đang chế biến sâu ở nông thôn có điều kiện đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. Quan trọng hơn là phối hợp giữa các ngành liên quan để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn cho các nhà máy chế biến quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu qua những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm. Tích cực cải thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng khu cụm công nghiệp để doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
* Xin cảm ơn ông!