Bứt phá về kim ngạch
Cùng với đà tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong 9 tháng năm 2024 đạt hơn 1,4 tỷ USD (tăng 29% so với cùng kỳ năm trước).
Theo Sở Công Thương, việc giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều tháng qua đã tác động tích cực đến giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 200.000 tấn, chiếm tỷ trọng khoảng 50 - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cà phê cũng trở thành sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, bình quân đạt 3.897 USD/tấn (tăng 56% so với cùng kỳ năm trước).
Mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: Nguyễn Gia |
Cùng với cà phê, hồ tiêu là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao về cả khối lượng lẫn giá xuất khẩu. Tính đến hết quý 3/2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt hơn 31.000 tấn, (tăng 83,3%) với giá bình quân 6.239 USD/tấn (tăng 67,5%). Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu khác như: hạt điều (gần 35.000 tấn); cao su (hơn 6.900 tấn); mật ong (hơn 3.900 tấn) cũng có dấu hiệu tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
Là doanh nghiệp (DN) hàng đầu về xuất khẩu tiêu, cà phê, kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Niên vụ 2023 – 2024, đơn vị đã xuất khẩu 93.510 tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 286 triệu USD (tăng 127% so với cùng kỳ). Đơn vị cũng xuất khẩu 12.238 tấn hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu hơn 59,7 triệu USD (tăng 278% so với cùng kỳ).
Vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. |
Hiện nay đã có 13 mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; một số sản phẩm nông sản chế biến sâu như yến sào, hạt mắc ca đã được các nhà phân phối của Hàn Quốc, Trung Quốc đưa vào những kênh bán hàng trong nước. Ngoài ra, các DN đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh; chủ động làm thủ tục xuất khẩu để kịp tiến độ giao hàng; tận dụng tốt các cơ chế, chính sách, nhất là từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương cho biết, bên cạnh việc duy trì thị trường trong nước, công ty đã đưa ra nhiều sản phẩm mẫu mã mới hơn, đồng thời liên tục tìm kiếm thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới, giúp đưa sản phẩm mắc ca Việt Nam vươn tầm quốc tế. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương đã xuất khẩu được 28 tấn mắc ca sang thị trường Nhật Bản, với khoảng 98.400 sản phẩm khác nhau (tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023).
Công nhân tách vỏ mắc ca tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương. |
Nỗ lực "cán đích"
Theo dự kiến, trong quý 4/2024, ngành công thương sẽ tổ chức đưa các doanh nghiệp của tỉnh tham gia một số hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước như: Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế tại Hàn Quốc; Triển lãm quốc tế công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam - VIMEXPO 2024; Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung… để mở rộng tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu. |
Hiện nay, giá các mặt hàng nông sản vẫn đang duy trì ở mức cao, đây là tín hiệu tích cực cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh những tháng cuối năm. Thời điểm này, cộng đồng DN đang dốc sức để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đặt ra cho cả năm 2024.
Tuy nhiên, theo nhận định của ngành công thương, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song trong những tháng cuối năm 2024, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ nói riêng sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức. Nhất là trong bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề… làm tốc độ phục hồi, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại. Điều quan ngại nữa là một số thị trường quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng nên họ tạo ra những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Điển hình như mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR) đối với 7 nhóm hàng nhập khẩu vào thị trường này. Trong đó, Đắk Lắk có 2/7 mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào EU là cà phê và cao su nằm trong phạm vi điều chỉnh của EUDR. Đây là thách thức lớn đối với các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh những mặt hàng trên.
Nhiều DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng chia sẻ, dù kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua tăng mạnh nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đơn cử như việc giá nông sản tăng cao, đặc biệt là cà phê, hồ tiêu… đã khiến các DN xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu, nhiều đơn hàng chịu lỗ nặng khi phải mua giá cao để có hàng giao cho đối tác.
Sản xuất cà phê đặc sản tại Hợp tác xã Ea Tân (huyện Krông Năng). |
Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi cho biết, trước bối cảnh trên, đơn vị đã xây dựng nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt hơn 1,6 tỷ USD.
Theo đó, ngành công thương sẽ tiếp tục định hướng, tuyên truyền và khuyến khích DN chủ động cập nhật, nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường; xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn và khó tính.
Đồng thời, khai thác ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do để nâng cao sức cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng… Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh, mở rộng tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu.
Về phía DN, hầu hết các đơn vị đều đang chủ động những giải pháp để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm 2024. Bên cạnh việc đánh giá lại nhà cung ứng và nhà nhập khẩu, DN đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường tiềm năng để xuất khẩu sản phẩm của mình.