Thứ tư, ngày 18 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 19/08/2024

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tỷ lệ cao trong tổng số DN trên địa bàn tỉnh và được xác định là “xương sống” của nền kinh tế. Việc hỗ trợ DNNVV được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của địa phương. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được như mong muốn.

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12.900 DN đang hoạt động, trong đó chủ yếu là DNNVV. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ và những chính sách hỗ trợ khác của địa phương đã góp phần tạo đà cho các DN phát triển. Tuy số lượng DN thành lập mới hằng năm không ngừng tăng lên nhưng số lượng DN giải thể và tạm ngừng hoạt động cũng không ít. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 727 DN giải thể, tạm ngừng hoạt động (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó, vốn điều lệ đăng ký của các DN trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Điều này chứng tỏ các DN chưa mạnh dạn trong đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất son dưỡng môi từ trái bơ tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang.

Ông Hoàng Khắc Cưng, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng cho biết, hiện tại DN chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ liên quan đến sản xuất xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đơn vị cũng chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, trợ giá cho DN sản xuất xanh không phát thải ô nhiễm và sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo...

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang, ngoài khó khăn về mặt tài chính, khan hiếm đơn hàng, nhiều DNNVV trên địa bàn hiện không biết Nhà nước đang có những chính sách hỗ trợ gì về tín dụng cho các DN. Nếu DN biết được chính sách thì lại gặp vướng mắc trong việc tiếp cận và đáp ứng các điều kiện để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

 
Các ngành chức năng cần có nhiều thông tin về thị trường để DN chủ động trong kế hoạch phát triển. Đồng thời, cần có nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính, về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ công tác đào tạo, nâng cao kiến thức quản trị cho các DNNVV”.
 
Ông Phạm Đông Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, hiện nay các chính sách hỗ trợ dành cho DNNVV được ban hành và hướng dẫn tại rất nhiều văn bản, gây khó khăn cho địa phương cũng như DN trong quá trình triển khai và tiếp cận nội dung hỗ trợ. Một số cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, hiện nay nguồn kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ DN của địa phương còn hạn chế. Việc vay vốn của DN tại các tổ chức tín dụng còn khó khăn, thủ tục cho vay vốn rườm rà. Hầu hết các DN không có tài sản thế chấp để đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng thương mại nên không có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Cần tăng nội lực cho doanh nghiệp

Bên cạnh việc thực hiện quy định cụ thể về các nội dung hỗ trợ cơ bản dành cho DNNVV, Chính phủ và địa phương đã tích cực đưa ra các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn. Trong đó, DN được tạo nhiều điều kiện hỗ trợ, giảm bớt khó khăn để sớm quay trở lại đà phục hồi, tăng trưởng. Các giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được thực hiện, đặc biệt là công tác cải cách hành chính nhằm hỗ trợ DN, nhà đầu tư rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, cắt giảm chi phí cho DN.

Để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị để gặp gỡ, nắm bắt và trao đổi với DN. Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Hội DN trên địa bàn; nghiên cứu, tổ chức các mô hình đối thoại DN định kỳ cấp huyện như “Cà phê doanh nhân”, “Hội nghị đối thoại DN” để cùng đồng hành, kịp thời hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn.

Theo phân tích của VCCI, tỷ lệ DN sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2023 ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, theo nhiều DN và chuyên gia kinh tế, về lâu dài, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung vào các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN. Đơn cử như hỗ trợ về quy định trình tự, thủ tục theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DNNVV. Hay cần tập trung hỗ trợ những vấn đề mà DNNVV gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như: công tác quản trị DN, quản lý lao động, tiền lương, các thủ tục pháp lý… để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày một hiệu quả, chất lượng.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Thực tế cho thấy, nhu cầu, mong muốn hỗ trợ của từng nhóm DN thường khác nhau. Mặc dù các ngành, các cấp đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ dựa trên nhu cầu của DN nhưng DN vẫn cần được hướng dẫn cụ thể về cách thức để thụ hưởng được những chính sách này. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cần được triển khai sâu rộng, thường xuyên và có hiệu quả trên thực tế chứ không chỉ dừng ở sự hỗ trợ... trên giấy.

Theo phân tích của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2023 nhiều DN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng.
https://baodaklak.vn
In Gửi Email
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả: