Thứ sáu, ngày 25 tháng 07 năm 2025
Cập nhật lúc: 23/05/2022

Giáo dục khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam: Tác động từ hoạt động hợp tác quốc tế

Trong những năm gần đây, hoạt động giáo dục khởi nghiệp được triển khai trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam theo Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

          Trong Kế hoạch này, các trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm cần thực hiện một số nhiệm vụ cốt lõi, như là: (1) Xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường; (2) Bố trí cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Thành lập bộ phận hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trên cơ sở các bộ phận, phòng, ban đã có của nhà trường; (3) Thiết lập kênh thông tin cung cấp các tài liệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nguồn học liệu của nhà trường cho sinh viên; (4) Tổ chức truyền thông về các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, khuyến khích sinh viên đề xuất các dự án, ý tưởng với bộ phận tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp của nhà trường để được tư vấn, hỗ trợ; (5) Phối hợp với các doanh nghiệp, mời các chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, các buổi nói chuyện chuyên đề, các diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên và (6) Tổ chức lựa chọn các dự án, ý tưởng có tính khả thi để hỗ trợ ươm tạo tại trường hoặc kết nối đến các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ ươm tạo, tăng tốc, kết nối đầu tư.

          Các nội dung chính trên khi được triển khai trong những năm gần đây đã phần nào góp phần nâng cao nhận thức của người học và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo khởi nghiệp vẫn còn một số hạn chế nhất định do những rào cản nhất định, như rào cản do chương trình đào tạo, do văn hóa và tài chính, và tính liên kết lỏng lẻo giữa giáo dục khởi nghiệp với các lĩnh vực khác trong xã hội.

Để tháo gỡ rào cản trong giáo dục khởi nghiệp, các cơ sở giáo dục Việt Nam đã và đang từng bước áp dụng một số biện pháp cần thiết như: tăng cường sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo cho học phần khởi nghiệp, tăng cường tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, tạo dựng mạng lưới, câu lạc bộ khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối hỗ trợ giữa sinh viên và các nhà đầu tư, vườn ươm khởi nghiệp…

          Ngoài ra, trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, hợp tác quốc tế trong giáo dục khởi nghiệp cũng đang những biến chuyển tích cực trong vài năm gần đây. Theo thống kê của phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam, tính từ năm 2015 đến năm 2021, các cơ sở giáo dục Việt Nam đã nhận được tài trợ từ Chương trình Erasmus+ của Cộng đồng Châu Âu để tiến hành một số dự án nhằm hỗ trợ giáo dục và tăng cường khả năng khởi nghiệp của sinh viên. Cụ thể, có khoảng gần 20 trường đại học Việt Nam đã tham gia vào các dự án như “Hỗ trợ các trường đại học Việt Nam phát triển kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên ngành công nghệ thông tin” (năm 2015- 2018); “Thúc đẩy khả năng nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên Việt Nam” (năm 2015- 2018) và “Tăng cường năng lực của các trường đại học Việt Nam nhằm hỗ trợ sinh viên tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp- V2Work” (năm 2017- 2021) với số tiền  tài trợ từ 650.000 đến 920.000 euro. Được biết, Trường Đại học Tây Nguyên là thành viên nòng cốt của nhiều dự án quốc tế, trong đó có dự án V2work. 

(Ảnh: Hoạt động tăng cường năng lực đội ngũ trong Dự án “Tăng cường năng lực của các trường đại học Việt Nam nhằm hỗ trợ sinh viên tăng cường khả năng tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp- V2Work”. Nguồn hình ảnh: https://www.facebook.com/v2work.eu)

            Các dự án quốc tế đã giúp các trường đại học Việt Nam tận dụng được lợi thế của các đối tác quốc tế thông qua các hoạt động tăng cường năng lực đội ngũ (đào tạo giảng viên nòng cốt và cán bộ phụ trách hỗ trợ khởi nghiệp) và các gói tài trợ trang thiết bị nhằm hiện đại hóa trung tâm đổi mới sáng tạo và không gian khởi nghiệp tại các trường đại học Việt Nam. Ngoài ra, các trường đại học còn có thể mở rộng hợp tác trong và ngoài nước trong hoạt động giáo dục khởi nghiệp thông qua các mạng lưới được hình thành từ các dự án quốc tế.

(Ảnh: Mạng lưới Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam (VEES-Net) được hình thành từ dự án V2Work. Nguồn hình ảnh từ http://vees-net.com/vi/)

 

Tin: Tống Thị Lan Chi

In Gửi Email
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả: