Thứ tư, ngày 23 tháng 07 năm 2025
Cập nhật lúc: 05/07/2023

Công tác cố vấn (Mentoring) trong khởi nghiệp: 4 giai đoạn chính để hỗ trợ và phát triển nhà khởi nghiệp

Cố vấn (Mentoring) được định nghĩa là một quá trình tương tác và hướng dẫn giữa hai cá nhân, trong đó người có kinh nghiệm (mentor) chia sẻ kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết của mình với người mới hơn (mentee) nhằm giúp người mới phát triển và đạt được mục tiêu cá nhân, nghề nghiệp hoặc học tập.

Trong quá trình cố vấn, người cố vấn (mentor) thường gợi ý và phản hồi cho người cần hướng dẫn, giúp họ hiểu rõ hơn về mục tiêu của mình và phát triển các kỹ năng cần thiết để đạt được thành công. Qua việc tạo dựng mối quan hệ và trao đổi thông tin, người cố vấn sẽ giúp người mới phát triển không chỉ về mặt kiến thức và kỹ năng, mà còn về mặt tự tin, sự độc lập, và sự phát triển cá nhân.

Quá trình cố vấn được chia thành 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có mục tiêu và hoạt động riêng biệt để đảm bảo sự phát triển toàn diện của người cần hướng dẫn. Giai đoạn 1 bắt đầu với việc xây dựng một mối quan hệ đáng tin cậy giữa người cố vấn và người cần hướng dẫn. Giai đoạn 2 tập trung vào việc định hướng và ưu tiên các vấn đề cần giải quyết. Giai đoạn 3 tiếp tục với việc triển khai các công việc và hoạt động thường xuyên để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Cuối cùng, giai đoạn 4 là giai đoạn  khi người được hướng dẫn dần trở nên độc lập và người cố vấn chỉ cần hỗ trợ khi được yêu cầu. Qua các giai đoạn này, quan hệ cố vấn phát triển một cách có hệ thống và đạt được sự tiến bộ toàn diện cho cả hai bên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4 giai đoạn của Mentoring

(Nguồn: Tài liệu hướng dẫn cố vấn Khởi nghiệp)

 

Giai đoạn 1: Tạo dựng mối quan hệ

Giai đoạn đầu tiên trong quá trình cố vấn là giai đoạn tạo dựng mối quan hệ giữa người cố vấn và người cần được hướng dẫn. Người cố vấn cần lắng nghe Mentee để hiểu rõ nhu cầu và mong đợi của người cần hướng dẫn, từ đó định hướng quá trình cố vấn. Quá trình này cần được xây dựng dựa trên sự kết nối và chia sẻ giữa hai bên.

Đầu tiên, người cố vấn và người cần hướng dẫn cần chia sẻ với nhau những điểm mạnh của bản thân trong quá trình làm quen. Điều này giúp tạo đà cho mối quan hệ và xác định các nội dung cần phát triển. Tiếp theo, cả hai phải chủ động tìm hiểu về phong cách giao tiếp của nhau để có thể hiểu và tương thích với nhau trong quá trình cố vấn.

Người được hướng dẫn cần tự tìm hiểu và đưa ra kết luận liệu người cố vấn có phải là người đáng tin cậy hay không. Tương tự, người cố vấn cũng cần tìm hiểu và đánh giá xem người cần được hướng dẫn có phù hợp với mình không, và liệu người đó có cam kết chia sẻ một cách cởi mở và trung thực không. Điều này đảm bảo mối quan hệ cố vấn được xây dựng trên nền tảng tin cậy và chân thành.

Trong nửa giờ đầu của buổi gặp đầu tiên, hai bên sẽ dành thời gian làm quen và hỏi han về nhau, bao gồm gia đình, công việc, sở thích và kinh nghiệm phục vụ cộng đồng trong quá khứ nhằm tăng hiểu biết và tạo sự gắn kết giữa 2 bên. Trong nửa giờ tiếp theo, người cố vấn sẽ giải thích vai trò của mình, giới thiệu quy trình làm việc và cách thức để hoàn thành mục tiêu để giúp người được hướng dẫn hiểu rõ hơn về những gì mà người cố vấn có thể hỗ trợ và cách thức để tận dụng được sự hỗ trợ này.

Sau buổi gặp đầu tiên, hai bên sẽ tiến hành lên lịch cho buổi tư vấn hoặc làm việc tiếp theo. Qua buổi gặp đầu tiên, các vấn đề quan trọng sẽ được trao đổi và thảo luận, nhằm định hướng cho quá trình cố vấn. Các vấn đề này có thể bao gồm mục tiêu cá nhân, nhu cầu học tập hoặc phát triển, những khó khăn hoặc thách thức cần vượt qua. Cách thức làm việc giữa hai người sẽ được thảo luận và định rõ để đảm bảo sự hiệu quả và tiến triển trong quá trình cố vấn. Điều này có thể bao gồm thời gian và địa điểm gặp mặt, phương pháp trao đổi thông tin và nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành. Tần suất gặp nhau sẽ được thảo luận và thống nhất dựa trên sự linh hoạt và khả năng của hai bên. Tần suất gặp có thể được điều chỉnh theo yêu cầu và tiến độ của quá trình cố vấn sao cho đảm bảo có đủ thời gian để tiến hành các hoạt động một cách liên tục và hiệu quả. Trong quá trình cố vấn, hai bên có thể giữ liên lạc thông qua nhiều phương pháp như gặp trực tiếp, gọi điện, gửi tin nhắn hoặc sử dụng các công nghệ truyền thông hiện đại như email, video call, hoặc các ứng dụng chat. Cả người cố vấn và người được hướng dẫn cần cam kết tuyệt đối giữ bí mật về các thông tin và nội dung được chia sẻ trong quá trình cố vấn nhằm đảm bảo sự tin tưởng và tôn trọng giữa hai bên và tạo ra môi trường an toàn để chia sẻ. Cam kết về thái độ làm việc trong suốt quá trình cố vấn là một yếu tố quan trọng. Cả người cố vấn và người được hướng dẫn nên đồng ý và cam kết đối xử một cách chuyên nghiệp, tôn trọng, cởi mở, trung thực và có thái độ tích cực, sẵn lòng học hỏi. Trong bước cuối trong giai đoạn này, người cố vấn và người được hướng dẫn sẽ xác định mục tiêu chung và các giới hạn trong quá trình làm việc.

Giai đoạn 2: Đặt ra định hướng các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên là gì?

Trong giai đoạn hai, nhiệm vụ quan trọng là phát triển năng lực của người được hướng dẫn dựa trên việc tôn trọng những nguyên tắc cơ bản.

Người được hướng dẫn sẽ bắt đầu thực hành và tìm hiểu những gì cần thiết để hoàn thành các mục tiêu đã thống nhất trước đó. Đây là giai đoạn mà các kỳ vọng trở nên thực tế hơn vì hai bên đã có nhận thức về khả năng và hạn chế của nhau.

Trong giai đoạn này, một số câu hỏi quan trọng được đặt ra, bao gồm: Mối quan hệ  cố vấn có tiếp tục tạo ra giá trị cho cả hai bên không? Điều này đánh giá xem liệu mối quan hệ có tiếp tục phát triển và mang lại lợi ích cho cả 2 bên hay không. Hai bên có thể chấp nhận được những hạn chế mà mỗi người mang lại không? Nếu có những hạn chế quá lớn đến nỗi không thể tiếp tục mối quan hệ cố vấn thì hai bên cần xem xét khả năng tiếp tục hay chấm dứt mối quan hệ này. Hai bên cũng có thể điều chỉnh mục tiêu ban đầu dựa trên sự tiếp thu của người được hướng dẫn và hiểu biết của người cố vấn Điều này đảm bảo rằng mục tiêu đề ra vẫn phù hợp và khả thi trong quá trình cố vấn. Qua giai đoạn này, 2 bên sẽ tiếp tục tương tác và làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề, phát triển kỹ năng và đạt được mục tiêu đã đề ra.

Giai đoạn 3: Triển khai các công việc và hoạt động một cách thường xuyên

Trong giai đoạn ba, điều quan trọng nhất là người được hướng dẫn tự tin, độc lập hoàn thành các mục tiêu đã thống nhất trong giai đoạn trước và chỉ cần sự hỗ trợ của cố vấn khi thực sự cần thiết. Trong giai đoạn này, một trong hai bên có thể cảm thấy đã đạt được mục tiêu ban đầu và nên chuyển sang một mục tiêu mới. Điều này đánh dấu sự phát triển và tiến bộ của người được hướng dẫn trong quá trình cố vấn. Nếu một trong hai bên không thể tham gia buổi cố vấn thì có thể hiểu rằng công tác cố vấn nên được rút ngắn hoặc kết thúc.

Giai đoạn 4: Đi tiếp

Trong giai đoạn 4, người được hướng dẫn dần trở nên độc lập, tự tin và bớt phụ thuộc vào người cố vấn. Người cố vấn cũng đã truyền đạt đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người được hướng dẫn. Nếu mục tiêu đã hoàn thành nhưng vẫn còn thời gian trong chương trình cố vấn có nghĩa là hai bên đã đặt mục tiêu quá rộng và cần xem xét đặt ra mục tiêu mới phù hợp với khả năng mới của người được hướng dẫn. Việc quyết định thiết lập mục tiêu mới như thế nào dựa trên sự phát triển và năng lực mới của người được hướng dẫn.

Đến giai đoạn này, mối quan hệ cố vấn có thể kết thúc hoặc chuyển sang một hình thức cố vấn khác khi người được hướng dẫn có nhu cầu và yêu cầu được hỗ trợ.

Qua 4 giai đoạn cố vấn, người cố vấn và người được hướng dẫn tạo dựng được mối quan hệ, đặt ra định hướng, triển khai công việc và kết quả là người được hướng dẫn có thể khám phá tiềm năng của bản thân và trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nguồn tin: Lan Chi - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh

In Gửi Email
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả: